BƯỚC VÀO THẾ GIỚI KÝ ỨC KỲ ẢO CÙNG “NHÀ ẢO THUẬT TRÊN CẦU BỘ HÀNH”

“Nhà ảo thuật trên cầu bộ hành” của tác giả Ngô Minh Ích đã mang đến cho tôi một trải nghiệm đọc sách thật sự khó quên. Trước khi mở cuốn sách này, tôi không biết Ngô Minh Ích là ai. Nhưng sau khi gấp lại trang cuối cùng, tôi không thể cưỡng lại việc tìm kiếm thêm những tác phẩm khác của ông. Có một sức mạnh đặc biệt trong những dòng chữ giản dị mà sâu lắng, khiến tâm hồn người đọc như bị thôi miên, lạc vào thế giới kỷ niệm vừa quen thuộc vừa xa lạ.

Đây là một trong những cuốn sách khiến tôi ngỡ ngàng nhất từ trước đến nay. Từng câu chữ như làm sống lại một thời đã qua, pha trộn giữa sự u sầu và thần bí, giữa thực tế và hư cấu, giữa những chi tiết đời thường thân thuộc và những hình ảnh kỳ ảo thoắt ẩn thoắt hiện. Mỗi câu từ như một nét vẽ tạo nên bức tranh tuyệt đẹp về thời gian đã xa – nơi ánh sáng và bóng tối của ký ức đan xen, nơi giấc mơ và hiện thực giao thoa. Đọc cuốn sách, tôi như bị cuốn sâu vào dòng xoáy ký ức, nơi những con người, sự kiện và cảm xúc từng gắn bó với cuộc đời mỗi chúng ta dần hiện hữu. Tình yêu và nỗi đau, trưởng thành và mất mát, những kỷ niệm vui và cả niềm tiếc nuối đều được khắc họa chân thực. Những điều tưởng chừng chỉ thuộc về riêng mình hóa ra lại chính là tiếng vọng chung của kiếp người.

Tác phẩm được cấu trúc bởi chín câu chuyện ngắn, tất cả đều xoay quanh Trung Hoa Thương Xá – một biểu tượng lâu đời của Đài Bắc ngày ấy. Ngô Minh Ích đã thu thập những câu chuyện nhỏ bé tưởng chừng bị lãng quên, để rồi kết nối chúng lại thành một bản giao hưởng kỳ diệu. Dưới ngòi bút như có phép thuật, ông tái hiện một Trung Hoa Thương Xá đã mất – nơi cây cầu có nhà ảo thuật kỳ tài, những cửa hàng sầm uất, những người hàng xóm ồn ào, những quảng trường đông đúc nơi bí mật không có cách nào ẩn giấu. Và trong hành trình đó, thời gian như quay ngược, những sắc thái và hơi ấm của ký ức dần ùa về, đánh thức cả những mảnh ghép thời gian đã tưởng bị lãng quên từ lâu.

Có một điều kỳ lạ khi đọc “Nhà ảo thuật trên cầu bộ hành” là các câu chuyện trong sách như khơi mở dòng chảy ký ức, khiến ta tự động bước vào thế giới của riêng mình. Chúng ta sẽ nhớ về những ngày tháng thơ ấu, những chi tiết nhỏ bé mà sâu sắc vẫn âm thầm sống trong tâm hồn. Với riêng tôi, những cảm giác cũ kỹ ấy trong tâm thức lại ùa về mạnh mẽ – như hình bóng chú mèo của gia đình năm nào hay những giấc mơ kỳ lạ khi ngủ cùng ba mẹ. Từng khoảnh khắc tạo thành ký ức, dù là một buổi sáng ảm đạm vì sự mất mát hay những cảm giác lạ lẫm trước thế giới diệu kỳ, tất cả đều có một sức mạnh kỳ bí để lưu giữ trong tâm khảm.

Thế nhưng, đây không chỉ đơn giản là một hồi ức về tuổi thơ. Ngô Minh Ích đã đưa cái chết, những tổn thương trong quá trình trưởng thành và sự biến đổi khó có thể quay lại trong tâm hồn lên một tầng sâu hơn. Chẳng hạn, trong câu chuyện “Chú sư tử đá sẽ nhớ những gì?”, nỗi đau mất đi người thân hiện lên qua góc nhìn của một đứa trẻ, như cái cách cuộc sống lấy đi một phần của ta và không bao giờ trả lại. Hoặc như câu chuyện về cái chết của cô gái tên Bội Bội, để lại một khoảng trống hoang mang không thể lấp đầy và một loạt câu hỏi không bao giờ có lời giải. Tuy vậy, tác giả cũng tinh tế để lại những khoảng trống, để người đọc tự lắp đầy bằng suy tư và tưởng tượng của chính mình. Có những nỗi đau được ám chỉ nhẹ nhàng qua vài câu chữ nhưng đủ để khiến ta rùng mình, như một dấu mờ trong ký ức mãi mãi không thể xóa nhòa.

“Nhà ảo thuật trên cầu bộ hành” còn là một hành trình để giải mã những bí ẩn của ký ức. Những câu chuyện nhỏ bé ấy không chỉ làm bề mặt hiện thực gợn sóng mà còn cắm rễ sâu trong tâm trí, khéo léo đưa ta đối mặt với những câu hỏi lớn lao về vai trò của ký ức trong cuộc sống. Liệu ký ức có thể phản ánh đúng hiện thực? Hay chính những câu chuyện chúng ta kể lại đã nhào nặn ký ức thành một hình hài khác? Ngô Minh Ích đã gợi lên những suy tư này qua mỗi câu chuyện, phả hồn vào từng đoạn văn bằng lối kể điêu luyện.

Với tôi, ấn tượng nhất là những dòng chữ ngập tràn cảm xúc: “Ký ức không phải là câu chuyện; ký ức giống như một loại vật phẩm dễ vỡ, là thứ cần được trân quý. Câu chuyện thì ngược lại, nó là đất sét, phát triển từ nơi ký ức không thể chạm vào, và chính câu chuyện chọn cách kể của nó.” Những dòng chữ ấy không chỉ khơi dậy suy ngẫm mà còn thắp sáng cảm xúc về những điều vô hình mà ta chạm đến trong đời.

Đọc cuốn sách này chính là một cách để bước vào “thời gian phép thuật” – nơi cuộc sống khô khan được hòa quyện thêm chút tự do, chút thi vị. Như cách mà Ngô Minh Ích đã viết, trong thế giới của riêng ta, mỗi người đều là một nhà ảo thuật, biết cách chuyển hóa ký ức thành những câu chuyện sống động. “Nhà ảo thuật trên cầu bộ hành” mang đến một nhịp thở mới cho ký ức, đồng thời là một lời mời gọi ta dừng lại ở hiện thực để tìm kiếm mãnh liệt hơn những mảnh ghép của chính mình.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *