Trong thế giới đầy cạnh tranh và khắc nghiệt của nghệ thuật, có những cái tên chỉ thực sự tỏa sáng khi chủ nhân của chúng đã rời bỏ cuộc đời. “Một họa sĩ chết rồi thành danh đã trở lại” là một câu chuyện điên rồ, đẫm màu bi kịch, nhưng cũng đầy những tình tiết xoắn xuýt, bất ngờ và đau đớn. Tác phẩm không chỉ là câu chuyện về một người họa sĩ bất hạnh tên Cao Tuấn Diệc, mà còn là bức tranh hiện thực phơi bày những góc khuất của xã hội, nơi danh tiếng có thể được phóng đại, thao túng và bóp méo theo ý của đám đông.
Cao Tuấn Diệc xuất phát là một họa sĩ nghèo, bế tắc với sự nghiệp, không đủ tiền trang trải cuộc sống. Đời anh rơi xuống vực thẳm khi bị sỉ nhục trong một chương trình truyền hình, bạn gái phản bội để chạy theo một thiếu gia giàu có. Trong sự ê chề, nhục nhã cùng cực, anh chọn cách kết thúc tất cả. Nhưng thật trớ trêu, ngay sau khi anh chết đi, những bức tranh vốn bị xem thường bỗng trở nên vô giá. Những kẻ từng xem nhẹ anh – từ giáo viên, bạn học, cho đến chính người yêu cũ – bỗng quay ngoắt thái độ, chỉ vì cái chết của anh mang lại tiền bạc và lợi ích danh vọng cho họ.
Nhưng bi kịch của câu chuyện không dừng lại ở đó. Cao Tuấn Diệc đã không biến mất mãi mãi. Anh trở lại, không phải với tư cách là một hồn ma oan khuất, mà dưới một hình hài khác – người anh em song sinh của chính mình. Tuy nhiên, thân phận mới không giúp anh thoát khỏi những bi kịch cũ. Khi kẻ từng bị đẩy vào tuyệt vọng quay lại để đối mặt với những kẻ đã lợi dụng cái chết của anh, đó là lúc vở kịch lớn hơn nữa được mở màn.
Con người có thể biến đổi khi hoàn cảnh thay đổi không? Cao Tuấn Diệc đã có cơ hội sống lại, có cơ hội tận hưởng vinh quang mà anh chưa từng có khi còn sống. Anh có thể đã trở thành huyền thoại thực sự, nhưng bản chất con người vốn dĩ không dễ chuyển hóa. Anh vẫn không phải một họa sĩ có tài thực sự, danh vọng anh có được chỉ là sự dối trá. Đứng giữa hai thế giới – một là thân phận cũ đã chết, một là cuộc sống mới đầy dối lừa – anh nhận ra tất cả chỉ là sự phù phiếm tạm thời.
Câu chuyện xoáy sâu vào những vấn nạn hiện thực của xã hội: sự thao túng của dư luận, sức mạnh hủy diệt của bạo lực mạng, và sự tàn nhẫn của lòng người. Cái chết của Cao Tuấn Diệc chỉ là một công cụ để những kẻ khác trục lợi, và ngay cả khi sống lại, anh cũng không thể thay đổi cách thế giới này vận hành.
Tác giả đã khéo léo lồng ghép những bằng chứng sắc bén về hội chứng đám đông, về cách truyền thông và những kẻ cơ hội có thể thao túng một câu chuyện bi kịch để biến nó thành một món hàng bán chạy. Cao Tuấn Diệc, dù có trở lại, cũng không thể thay đổi sự thật rằng anh vẫn là một con rối trong bàn cờ của những kẻ mạnh hơn. Nhưng bi kịch lớn nhất không hẳn là sự thao túng hay lừa dối, mà là chính bản thân anh – một người luôn khao khát được công nhận, nhưng lại không bao giờ có đủ thực lực để tự đứng vững.
Cuối cùng, khi tất cả sự thật bị bóc trần, anh lại quay về với con số không, mất đi mọi thứ – từ danh tiếng, tiền bạc cho đến danh phận và giá trị của bản thân. Thứ duy nhất còn sót lại là những ký ức về một người con gái từng xuất hiện trong đời anh, một khoảng khắc nhỏ nhoi, thoáng qua nhưng lại là thứ thật sự thuộc về anh trong cuộc đời đầy giả dối này.
“Một họa sĩ chết rồi thành danh đã trở lại” là một tác phẩm không dễ đọc, vì nó chạm đến những góc sâu kín nhất trong tâm hồn con người. Sự đau đớn của nhân vật chính không chỉ là nỗi đau cá nhân mà còn là bi kịch của nhiều người trẻ ngoài xã hội – những kẻ bị chôn vùi bởi áp lực, bị dìm xuống bởi dư luận, và chỉ có thể nhận được sự quan tâm khi đã quá muộn màng. Đây là một cuốn sách đáng suy ngẫm, và mỗi người đọc rồi sẽ tự hỏi: danh tiếng có thực sự đáng để đánh đổi tất cả hay không?
Để lại một bình luận Hủy